Du lịch Mộc Châu - Măng chua là món đặc sản mà bất cứ ai khi đến Mộc Châu cũng muốn một lần được nếm thử.

Mùa xuân trên núi rừng Tây Bắc chính là thời điểm những cho ra những khóm măng tươi ngon nhất. Nơi đây từ lâu đã được biết đến như thiên đường của các loại măng. Măng tre, măng nứa, măng vầu, măng mai…những loại măng ngon nhất đều có thể tìm thấy trên cao nguyên Mộc Châu quanh năm mát mẻ .

Măng chua là thành phẩm từ các loại măng sau khi đã ủ muối trong một thời gian dài. Măng được rửa sạch, chủ yếu chọn phần ngọn rồi thái thật mỏng một cách khéo léo, sau đó mang đi ủ chua trong vại hoặc chum. Với cách làm này, phải mất từ 1-2 tháng để có món măng chua đạt tiêu chuẩn, nhưng ta lại bảo quản được trong thời gian hàng năm mà không hề bị hăng hay xa ngái, ngược lại măng ngấm vị ăn càng ngon. Người dân trên cao nguyên Mộc Châu luôn biết chế biến những món ăn không những bảo quản được thời gian dài, mà còn mang đậm hương vị núi rừng, xao xuyến biết bao tâm hồn của du khách yêu ẩm thực.

Măng chua ngoài ăn kèm với cơm trắng còn được dùng kết hợp với nguyên liệu khác làm nên rất nhiều món ngon góp phần phong phú cho ẩm thực của người bản địa. Măng chua đảo qua với chút mỡ rồi bắc lên bếp đun với gà đã tẩm ướp gia vị sẽ cho ra món canh gà nấu măng ngon nổi tiếng khắp vùng.


Măng chua trắng ngần hấp dẫn. ( Nguồn: Internet )
Măng chua xào với thịt ba chỉ, hay lòng mề rắc thêm hạt mắc khén có vị cay cay chua chua ăn rất tốn cơm.

Món canh cá nấu măng chua của người Thái cũng rất thích hợp cho những bữa cơm ngày se lạnh. Khi đi rừng hay làm nưỡng rẫy về mà được húp một bát canh nấu măng chua bao mệt mỏi lạnh giá dường như đều tan biến, nhường chỗ cho vị giác được “cảm” cái vị chua thanh ngọt dịu từ món ngon này.


Măng chua phơi khô cũng là món ngon vô cùng hấp dẫn. ( Nguồn: Internet )
Măng chua ăn cũng rất lạ miệng và bùi bùi thơm thơm khi đem phơi khô. Măng chua phơi khô là món vô cùng đặc biệt của người Thái. Nếu như măng chua được kì công trong thời gian ủ muối thì măng chua phơi khô còn tốn thêm một công đoạn nữa. Thường người ta sẽ vớt măng sau khi ủ muối 2 tuần rồi để ráo nước, sau đó mang phơi dưới nắng già trong vòng 3-4 ngày .

Măng chua hay bất cứ món ăn dân giã nào khác của người bản địa đều mang đậm hương sắc, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc khiến cho du khách ăn một lần là sẽ nhớ mãi không thể nào quên.