Lai Châu là tỉnh nằm phía Bắc Sông Đà, giáp Vân Nam Trung Quốc, là một vùng đất nổi tiếng có nhiều hang động đẹp, những thác nước trong rừng. Do vậy, Lai Châu luôn được du khách và bạn bè quốc tế yêu mến lựa chọn làm điểm đến. Cùng [replacer_a]khám phá những điểm đến hấp dẫn tại đây nhé!

Cánh đồng Mường Than
“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Cánh đồng Mường Than của huyện Than Uyên đứng thứ 3 trong số 4 vựa lúa lớn nhất của các tỉnh miền núi phía Bắc với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên tới 2000 ha.

Pu Ta Leng
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn thuộc xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Pu Ta Leng theo tiếng H’Mông gọi là Pú Tả Lèng, với chữ “Pú” nghĩa là núi. Với chiều cao 3.049m so với mặt nước biển, chỉ đứng sau đỉnh Fansipan (3.413m), Pu Ta Leng còn được mệnh danh là “nóc nhà thứ hai của Đông Dương”, cũng gọi “nóc nhà thứ hai của Việt Nam”.

Đền Nàng Han
“Đền thờ Nàng Han” nằm ở bản Tây An thuộc xã Mường So và bản Phai Cát xã Khổng Lào - huyện Phong Thổ - tỉnh Lai Châu. Trước khi chia tách tỉnh năm 2004 thì Đền thờ Nàng Han thuộc bản Tây An - xã Mường So và bản Phai Cát xã Khổng Lào - huyện Tam Đường - tỉnh Lai Châu (cũ).
Trên địa bàn người dân xã Mường So cũng như các xã lân cận hay nói rộng hơn đó là toàn bộ đồng bào dân tộc Thái trắng trên địa bàn huyện - tỉnh đều gọi là đền thờ Nàng Han “Hơn méo Nàng Han”.
Bởi lẽ đây là một địa điểm thờ cúng nhân vật trong truyền thuyết được nhân dân gọi là Nàng Han (Nàng có nghĩa là con gái, Han có nghĩa là anh hùng). Có thể nói đây là một điểm thờ cúng người nữ anh hùng dân tộc.
Nàng Han không chỉ có ở xã Mường So nói riêng hay địa bàn tỉnh Lai Châu mà Nàng Han là nhân vật của tất cả đồng bào dân tộc Thái trắng trên cả khu vực Tây Bắc.

Ma Ly Pho
Ma Ly Pho là mảnh đất xa ngái của tỉnh địa đầu Lai Châu, nơi biên thùy của Tổ quốc thiêng liêng. Nắng gió Ma Ly Pho được cộng hưởng tuyệt vời của dòng Nậm Na - chi lưu lớn của dòng Đà giang khi nhập vào Việt Nam đã uốn lượn “tưới” dòng nước đầu tiên cho vùng đất này.
Ma Ly Pho thuần hậu và đẹp tinh khiết. Có nhà thơ đã ví: “Lối vào Ma Ly Pho như sợi chỉ xuyên qua xống váy Mèo”, hình tượng nghệ thuật ấy giờ đây vẫn nguyên vẹn khi Ma Ly Pho có những cô gái dân tộc Mông xinh đẹp ngày ngày tắm dòng Nậm Na, phơi váy mèo trên những dải cỏ xanh mướt mát bốn mùa.
Ma Ly Pho đọc chệch đi là Mã Lỳ Pho nghĩa là “dốc sức ngựa”. Ma Ly Pho hiểm trở, thăm thẳm gập ghềnh những dãy núi chênh vênh xám ngoét đá. Đấy là thử thách với bất kỳ ai muốn khám phá mảnh đất huyền bí thơ mộng và hoang dã này. Những dốc lên thẳng đứng, dốc xuống hoắm sâu luôn là “bài tập” trắc nghiệm cho sự can đảm, mạo hiểm của người ưa khám phá.
Nhưng nếu có đủ bản lĩnh vượt qua “dốc sức ngựa” bạn sẽ thấy một Ma Ly Pho hiền lành như cô gái. Ở đấy không có những ngôi nhà khang trang, toàn nhà sàn hoặc nhà trình tường, những cô gái Mông bên bậu cửa chăm chỉ thêu dệt và nhoẻn những nụ cười tươi như hoa cúc quỳ bên sườn núi.