Những chia sẽ hữu ích giúp cho du khách Việt Nam lần đầu đi Đài Loan - Đài Loan không phải là một nơi ưa thích của tôi trước đó, đơn giản là tôi chưa nghe nhiều về đất nước này, có lẽ là những thông tin về Hongkong, Nhật, Hàn tràn ngập các trang mạng lấn át hết Đài Loan rồi. Cho đến khi bỗng dưng một hôm thấy Vietjet Air bán giá siêu khuyến mại vé Hà Nội – Đài Bắc 0 đồng, thôi thì chả phải suy nghĩ nhiều, cứ vé rẻ thì mua đại thôi, chưa kể vài hôm trước đó có thông tin họ miễn Visa cho những người đã có Visa Schengen như tôi. Ngon quá thể!

Chỉ khoảng 1 tuần trước khi đi tôi mới lên lịch trình cho chuyến đi, bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về đất nước này, và nhận ra rằng, Đài Loan siêu dễ thương. Nghe có vẻ hơi sến nhưng quả thật chẳng biết lấy từ nào khác để diễn tả, nhìn những bức ảnh về Đài Loan luôn mang lại một cảm giác vừa hiền dịu nhưng rất háo hức, ở đó có một Taipei phố xá nhưng không quá xô bồ như Hongkong, một Tainan nắng ấm, bình dị xen lẫn những nét hoài cổ và một Alishan, Hualien, Cingjing đại điện cho thiên nhiên tươi đẹp xứ Đài… Trước khi biết đến Đài Loan thì chép miệng, “ờ, cái xứ ấy bé tí mà, đi 1 tuần là hết sạch veo đất nước rồi”, rồi đến khi tìm hiểu, đi rồi mới biết là không hiểu phải mất bao nhiêu ngày, tháng mới trải nghiệm, check-in hết được chứ đừng nói đến hiểu, cảm nhận sâu sắc được Đài Loan.

Những việc cần chuẩn bị trước chuyến đi

Visa

Từ tháng 9/2016 dân Việt Nam nhận được tin vui là Đài Loan miễn Visa cho những ai đang hoặc đã từng có thẻ cư trú/visa đi các nước phát triển là Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, các nước thuộc khối Schengen (thời gian hết hạn không quá 10 năm), mục đích có lẽ nhằm thúc đẩy lượng khách du lịch đến với Đà Loan nhiều hơn. Chính vì vậy những ai đạt đủ điều kiện trên là yên tâm chỉ cần apply [replacer_a] online qua đường dẫn này của Cục Di dân Đài Loan. Trình tự rất đơn giản:

Truy cập vào website của Cục Di dân như trên

Làm theo từng bước trên website, điền thông tin cá nhân, thông tin về visa các nước phát triển đã có, rất đơn giản chỉ mất tối đa 5′ là cùng.
Sau khi hoàn thành, họ sẽ gửi về email của bạn một bản PDF về giấy xác nhận visa, bạn in giấy này ra mang ra sân bay check-in vé máy bay, rồi đưa cho nhân viên hải quan Việt Nam, Đài Loan là họ cho qua thôi.
Nếu ai không đáp ứng được điều kiện về visa, bạn sẽ buộc phải xin visa theo trình tự thông thường như đi các nước Hàn, Nhật,.. Tất nhiên là bạn sẽ phải mất phí làm visa mà những ai được miễn không phải nộp phí này (hình như là 50$).

Đổi tiền trước khi đi

Đơn vị tiền tệ của Đài Loan là Đô La Đài Loan, viết tắt là $ hoặc NT. Bạn có thể mua $ Đài Loan ở các điểm giao dịch ngoại tệ như Hà Trung, nhưng tỷ giá nhìn chung khá cao, tầm 1$ NT ~ 700-730đ. Thực ra thì bạn cũng không nên đổi quá nhiều, sang bển gần như chỗ nào cũng có thể thanh toán thẻ, chỉ có mua vé tàu ở ga địa phương nhỏ, ăn uống đường phố họ mới không chấp nhận thẻ thôi. Chi tiêu ở Đài Loan đắt hơn mức trung bình của Đông Nam Á một chút.

Ngoài ra bạn có thể mang USD từ nhà qua Đài Loan nếu có sẵn, đổi ở sân bay hoặc các ngân hàng có niêm yết tỷ giá rõ ràng, một số ngân hàng có thể tham khảo như Chinatrust, Bank of Taiwan, Mega Bank.

Internet và mua sim ở Đài Loan

Hầu hết lãnh thổ Đài Loan đều có wifi miễn phí, điều này là thật luôn đấy chứ không phải kiểu wifi chập chờn như ở Thái Lan hay Singapore, rồi lại còn bắt đăng ký tài khoản của nhà mạng đâu. Tôi nhận thấy là đến những thị trấn nhỏ hoặc gần một cửa hàng 7Eleven là đã có free wifi rồi. Mặc dù vậy bạn vẫn nên mua một chiếc sim để có thể liên lạc trong thời gian ở đây. Giá cho một chiếc Sim4G nghe gọi 4G thoải mái là 450NT cho 5 ngày, còn tôi chọn một loại khác là loại sim chỉ có 4G với giá 300NT, dung lượng 2Gb thời hạn dùng 6 tháng. Tôi thấy loại này phù hợp vì có gọi điện hay nhắn tin tôi đều có thể dùng 4G, mà muốn gọi điện sóng GMS vẫn có thể nạp tiền để dùng được. Nếu ai đi theo nhóm đông có thể thuê cục phát wifi dùng chung cho cả bọn luôn.

Xuống sân bay đi ra sảnh chờ xe bus về thành phố, bạn sẽ thấy cửa hàng bán sim khá lớn ở trong sân bay. Chỉ việc chọn loại sim mà bạn cần và thanh toán thôi, nhân viên ở đây nói tiếng Anh khá tốt.

Thời điểm du lịch ở Đài Loan

Nhìn chung thời tiết ở Taiwan khá giống với Hà Nội với 4 mùa rõ rệt, một số thành phố miền Trung, miền Nam hay núi cao trời đẹp hơn nhiều so với Taipei. Taipei có vẻ nắng mưa thất thường, tôi đi thời điểm tháng 12 mà trời hôm nắng đẹp, hôm mưa phùn. Mùa dễ đi nhất có lẽ vẫn là mùa hè hoặc mùa thu, còn mùa xuân, mùa đông thì hên xui. Đặc biệt các bạn nhớ tránh tháng 7,8 vì đây là mùa mưa bão, mà bão ở Đài thì các bạn biết rồi đấy, lên ti vi ở quê nhà suốt ah, nhìn mà hoảng.

Một số mốc thời gian bạn cần nắm như lá phong đỏ sẽ xuất hiện vào mùa thu và đặc biệt là tầm cuối tháng 12 đầu tháng 1. Lá phong là một đặc sản ở Đài Loan, ai đi Nhật rồi chắc cũng mường tượng được phần nào. Mùa đông ở một số vùng núi cao sẽ có tuyết rơi, nhìn đẹp như châu Âu chứ không đơn thuần là loại tuyết nửa mùa. Ai đi vào đợt lạnh có thể cân nhắc đi ngắm tuyết.

Một số lưu ý khác

Dân Đài Loan có thể nói là không nói tiếng Anh, hầu hết các cửa hàng, quán ăn, nhân viên chỉ có thể giao tiếp tiếng Anh theo kiểu ngôn ngữ cơ thể và một vài từ cơ bản. Chỉ có những cửa hàng, shop quần áo lớn, trung tâm thương mại hay ở sân bay họ nói được tiếng Anh. Chính vì vậy bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho việc khó khăn trong giao tiếp. Bạn nên down sẵn một số app tiếng Trung hoặc Google Translate trong điện thoại, học một số từ, câu cơ bản như số đếm, cái này cái kia, hỏi giá tiền,… Học số đếm nhanh lắm nhé, vì cả ngày đi lại chỉ có ăn uống và mua bán thôi mà!

Kinh nghiệm về đi lại ở Đài Loan

Bay Việt Nam – Đài Loan

Hiện tại có khá nhiều đường bay thẳng từ Việt Nam sang nhiều thành phố của Taiwan như Taipei, Taichung, Kaohsiung. Một số hãng hay tung vé rẻ đi Đài Loan như Vietjet Air, Vanilla (hãng này mới của Nhật nên được review rất tốt). Tuy vậy thì Vanilla mới chỉ có đường bay từ Sài Gòn chứ chưa có ở Hà Nội. Tôi mua được vé 0đ của Vietjet sau khi book tất tần tật cộng thuế phí vào là 2.5tr khứ hồi chưa có ký gửi, chẳng hiểu sao thuế phí gì mà đắt đến vậy, trong khi mua 0đ của Vanilla chỉ tầm hơn 1.5tr thôi.

Từ sân bay Taoyuan về Taipei

Sau khi xuống sân bay bạn sẽ phải điền vào form nhập cảnh, qua cửa hải quan rồi thì có thể ra mua sim 4G dùng trong khoảng 1 tuần ở đây. Hiện tại thì tuyến tàu MRT chạy từ sân bay về trung tâm vẫn đang xây nên cách tiết kiệm nhất vẫn là đi xe bus (ngoài taxi). Bạn đi theo chỉ dẫn để ra bến xe bus ngay ngoài sảnh sân bay mua vé vào thành phố.

Bus trung chuyển này chuyên chạy tuyến sân bay, bạn nhớ tên hãng là Kuokuang số hiệu 1819, giá vé 125NT. Bus sẽ chạy đến bến cuối cùng là Taipei Main Train Station mất tầm gần 1 tiếng, từ đây bạn có thể đi MRT về khách sạn hoặc đi bộ nếu thuê khách sạn ở ngay gần ga trung tâm.

Đi lại ở Đài Loan

Cũng như ở các nước phát triển thì Metro hay còn gọi là MRT là phương tiện đi lại chính ở Taipei. Nhìn chung tàu ở đây sạch đẹp, đi rất nhanh, MRT nhiều line dầy đặc và gần như phủ kín hầu hết các điểm trong trung tâm. Cách đi, mua vé thì cũng giống như các thành phố khác thôi, bạn có thể tham khảo các bài viết của tôi về đi tàu ở Sing, Malaysia,..

Để đi MRT thì bạn có thể mua vé lẻ (dạng token) hoặc mua thẻ nạp tiền không phải mua lẻ nữa. Theo nhận thấy của tôi thì nếu ở Taiwan lâu dài nên mua thẻ nạp tiền sẽ tiện hơn, đồng thời giá từng chặng cũng sẽ rẻ hơn mua lẻ. Ví dụ như nếu mua lẻ thì giá vé lần lượt cho từng chặng là 20,25,30NT, trong khi dùng thẻ chặng ngắn chỉ có 16NT thôi.

Kinh nghiệm chi tiết đi lại ở Đài Loan mời bạn xem bài viết ở đây: Tổng hợp kinh nghiệm đi lại ở Đài Loan

Khách sạn ở Đài Loan

Các công cụ đặt phòng vẫn truyền thống là Agoda, Booking.com, đi nhóm đông hoặc theo cặp đôi bạn có thể tìm thêm ở Airbnb với phòng căn hộ apartment đẹp. Nhớ đăng ký tài khoản Airbnb theo đường dẫn này để có ngay 20$ trong tài khoản sử dụng đặt phòng. Về cách sử dụng Airbnb mời bạn đọc bài viết hướng dẫn ở đây.

Kinh nghiệm về đặt phòng khách sạn ở Taiwan là cũng khá giống với khi đi châu Âu, tức là tìm khách sạn ở gần ga trung tâm, từ Taipei, Tainan, Kaohsiung,.. Việc này giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại vì thường điểm đầu tiên khi đến một thành phố ở Đài Loan chính là ga trung tâm của thành phố đó. Và thường là các ga chính này cũng là trung tâm thành phố với các tụ điểm ăn chơi, khu mua bán sầm uất nên không sợ buồn hay thiếu dịch vụ. Giá phòng cũng không chênh nhau nhiều so với các khu khác.

Những khách sạn mà tôi đặt trong chuyến đi vừa rồi:

Taipei – Đài Bắc: Cavemen Hostel Taipei Station Youth Branch – Cách ga trung tâm 5′ đi bộ, toạ lạc trên tầng 7 của một toà nhà ngay mặt đường lớn, phòng đẹp. Khu vực này sầm uất cái gì cũng có, đi lại tiện lợi, cửa hàng tiện lợi, đồ ăn sáng và gần 1 hiệu trà sữa khá ngon.

Tainan – Đài Nam: Tavern L Hostel – Cách ga Tainan 10′ đi bộ, nhân viên nhiệt tình, phòng không đẹp bằng ở Taipei, cũng ngay mặt đường dễ tìm, ngay bên đường là trạm xe bus.

Kaohsiung – Cao Hùng: Paper Plane Hostel – Phòng siêu đẹp và công nghệ thông minh, toạ lạc trên tầng 10 của 1 toà nhà lớn, sát ga MRT. Buổi tối nằm ngắm đường phố từ trên cao lung linh.

Hualien – Hoa Liên: Hualien Wow Hostel – không phải đắn đo nhiều vì khách sạn này quá ổn nằm ngay đối diện ga Hualien.

Review chi tiết về các khách sạn này sẽ có trong các bài ký sự, nhưng nhìn chung các hostel trên đều được tôi đánh giá cao về mọi mặt, từ vị trí, dịch vụ và cơ sở vật chất. Giá phòng đều rất ổn, thuê theo giường dorm chỉ tầm 10-15$/đêm.